hững bức tranh vẽ, ảnh chụp góc phố, bến thuyền, hàng rong, làng xã... Sài Gòn - Gia Định từ đầu thế kỷ 19 được trưng bày.
Từ ngày 3/1, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (đường Lê Duẩn, quận 1) diễn ra triển lãm "Sài Gòn từ thành thị phong kiến đến thành phố kiểu phương Tây". Không gian được tái hiện như một biệt thự cổ kiểu Pháp, trưng bày khoảng 200 tài liệu gồm một số mộc bản triều Nguyễn, các hình ảnh của Trung tâm lưu trữ và nhà sưu tập về Sài Gòn - Gia Định.
Nhiều hình ảnh về nhịp sống cư dân trong thế kỷ 19 được trưng bày bên cạnh bản đồ, công trình kiến trúc, văn bản... về Sài Gòn xưa. Một trong những hình ảnh xưa nhất trong triển lãm là tranh vẽ Sài Gòn trên bến dưới thuyền năm 1820 của sĩ quan hải quan Mỹ John White.
Tranh vẽ một khu phố Sài Gòn khoảng đầu thế kỷ 19, thời điểm thực dân Pháp chưa tấn công.
Tranh vẽ cảnh sĩ tử lều chõng tại trường thi Gia Định trong thế kỷ 19. Trường thi này ngày nay tương ứng với khu vực của Nhà văn hóa Thanh niên trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1).
Năm 1859, sau khi chiếm Sài Gòn, người Pháp bắt đầu quy hoạch thành phố, xây dựng nhiều công trình kiến trúc, dinh thự, đường sá... Đường Đồng Khởi có từ thời Nguyễn, là đường dành riêng cho vua đi thẳng từ thành Gia Định ra sông Sài Gòn. Sau này, người Pháp đã quy hoạch thành một trong những con đường chính của thành phố và được đặt tên là đường Catinat. Đường Catinat năm 1864 vẫn còn nét bản sắc của cư dân bản địa nhưng đến đầu thế kỷ 20 thì mang đậm kiến trúc Pháp. Các công trình nổi bật trên đường như nhà hát, khách sạn
Continental, khách sạn Grand...
Bức ảnh chụp rạch Thị Nghè những năm 60 của thế kỷ 19 với nhà tranh, con thuyền nhỏ. Khi quy hoạch thành phố, người Pháp giới hạn Sài Gòn bao quanh rạch Thị Nghè, Bến Nghé và sông Sài Gòn. Khu vực này tương ứng với quận 1 ngày nay.
Cảnh trên bến dưới thuyền ở rạch Bến Nghé trong những năm 60 của thế kỷ 19.
Bến đò của cư dân trên sông Sài Gòn năm 1896.
Cảnh sinh hoạt, buôn bán, giao thông trên đường Nguyễn Huệ cuối thế kỷ 19. Con đường lúc đầu mang tên đô đốc Charner, khởi thủy là con kênh đào mang tên Kinh Lớn, dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào, cải tạo thành đại lộ như ngày nay.
Hàng rong buôn bán trên phố Sài Gòn cuối thế kỷ 19.
Một gia đình Sài Gòn với khung cảnh nhà tranh, vườn tược.
Cảnh chợ làng của Sài Gòn cuối thế kỷ 19.
0 Comments